Trang thông tin điện tử

Xã Bình Mỹ

Đảng ủy, HĐND, UBND,UBMTTQ Việt Nam phường đi thăm các trường học trên địa bàn phường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BIA ÔNG NGHÈ ĐÓN BẰNG XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH

Sự kiện, nhân vật lịch sử

Ông Nghè Kim tên thật là Đinh Duy Tự, hiệu Kim Sơn, sinh năm Đinh Mão - 1801, trong một gia đình nông dân hiếu học ở Trà Bình Trại, phủ Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông mất vào năm Mậu Tý - 1888.

Đinh Duy Tự là một nhà nho nổi tiếng ở Quảng Ngãi thế kỷ XIX. Ông nổi tiếng văn hay chữ tốt, được vua Thiệu Trị gọi vào cung giữ chức Cung Trung giáo tập, dạy các hoàng tử, công chúa.

Lúc nhỏ ông ở nhà học chữ nho do cha truyền dạy và hai thầy giáo khác hướng dẫn. Lớn lên ông đi thi Hương ở trường thi Bình Định, đã vào đến trường ba; Đinh Duy Tự là người “học tài thi phận”, suốt mấy lần lều chõng ra tận trường thi Thừa Thiên ứng thí nhưng rồi cũng chỉ ghé được chân tú tài. Theo như lời truyền khẩu trong dòng tộc cho biết ông đỗ tú tài 3 lần (Ông Tú tam khoa), nhưng không rõ là vào những khoa thi nào.  Sinh thời ông làm thơ, phú, câu đối rất nhiều “có bài Tế ông ngoại vợ” được Phạm Trung Việt lược ghi ở quyển Non Nước Xứ Quảng, Đinh Duy Tự sáng tác nhiều thơ văn bằng chữ Nôm, lưu truyền cả trong giới học thức lẫn người bình dân, nổi tiếng nhất là các bài: Đá Chồng - giếng Tiên, Chợ Thạch An, phú Đập Ông Cá, phú Lụt Bất Quá… Thơ ông giàu chất trào lộng, vui vầy với cảnh vật cùng con người quê hương, nhưng lại mỉa mai bọn cường hào, tham quan, ô lại. Thơ văn của ông để lại bị mất mát rất nhiều khi nhà thờ bị ném bom trong chiến tranh, hiện thơ văn của ông vẫn được lưu truyền trong dân gian. Các tài liệu thành văn bằng chữ Hán và một số di vật của ông lưu tại nhà thờ ở Trà Bình đều đã bị hư hại, thất lạc khi máy bay Pháp bắn phá căn nhà trong những năm 1945-1954.

Đoàn thanh niên – Hội LHTNVN xã Bình Mỹ tổ chức cho đại biểu Cháu Ngoan Bác Hồ đến tham quan di tích lịch sử Bia Ông Nghè Kim.

 

Nhờ có tiếng học giỏi, viết chữ đẹp nên ông được quan tỉnh tiến cử lên vua Thiệu Trị. Nhà vua mời ông ra Huế giữ chức Cung Trung giáo tập trong cung để dạy cho con cháu nhà vua và thảo văn tế. Ông vốn là người thông minh, học giỏi lại có khiếu làm thơ trào lộng và dịch những vở tuồng cổ Trung Hoa hoặc nhắc vai hát bộ trong Cung đình. Khi vua Tự Đức lên ngôi, để ghi ơn công lao của thầy đã dạy mình nên đã phong cho ông tước Nghè; Từ đó nhân dân thường gọi Ông là Nghè kim.

Làm việc trong cung cho đến năm 50 tuổi (1857) thì Nghè Kim về lại quê nhà mở trường dạy học, bốc thuốc, vui cảnh điền viên. Bấy giờ Trà Bình Trại còn là vùng đồn điền của phủ Bình Sơn, người dân tuy nghèo khó nhưng nổi tiếng hiếu học. Ông đồ Đinh Duy Tự xướng xuất học trò lập “đồng môn điền” (ruộng đồng môn), góp tiền của mua ruộng đất canh tác hoặc cho thuê, lấy phần lợi giúp nhau học hành. Suốt hơn 30 năm, ruộng đồng môn của các học trò Nghè Kim đã giúp cho nhiều người nghèo khó, hoạn nạn có điều kiện học chữ thánh hiền.

Năm Canh Ngọ (1870) Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông (1827 – 1884), vốn là người rất quan tâm việc thuỷ lợi, đến khảo sát vùng Trà Bình, Thạch Nội, Phú Thành (nay đều thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh), thấy có nhiều con đập dựng từ thời Cảnh Hưng (1740 – 1785) nhà Lê, nhưng bị hư hại vì lũ lớn, nhiều năm không sửa chữa được, nên mùa màng thất bát, người làm ruộng thiếu ăn.

Nguyễn Thông cùng với các ông Phạm Thục (Dực Thiện), Trần Bá Tuấn (Bắc Nhai), Nguyễn Đăng Cẩn (Nguyên Điền) bàn bạc với Tú tài Đinh Duy Tự trù liệu việc phục hồi đập Ông Cá, khơi thêm kênh mương, đưa nước về đồng. Nguyễn Thông chịu trách nhiệm điều động nhân công trong phủ Bình Sơn (nay là 2 huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh), chuẩn bị kinh phí. Nghè kim đứng ra lo việc xem xét thế đất, thế nước, thiết kế kênh mương, đập nước; Ông đã đóng góp tiền của, đứng ra tổ chức, vận động con em trong vùng đóng góp công sức làm thủy lợi, huy động nhân dân khôi phục lại đập Ông Cá đã có từ thời vua Lê cảnh Hưng do bị hư hại, đắp đập lấy nước tưới cho cây lúa ở phía Bắc làng Thạch Nội và một phần diện tích của thôn Thạch An (xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn). Do đó nhân dân còn gọi là đập Ông Nghè. Sau 04 tháng nỗ lực, đập Ông Cá và kênh mương hoàn chỉnh, nước trên khe núi chảy xuống được giữ lại trong lòng hồ, sẵn sàng tưới cho những cánh đồng ruộng cần nước vào mùa khô.

Hôm khánh thành đập có Bố chánh Quảng Ngãi là ông Nguyễn Thông về dự, ông Nguyễn Thông đánh giá rất cao những đóng góp cũng như nhân cách của tú tài Đinh Duy Tự, bèn viết bài Đinh Gia Yển Ký (bài ký về con đập Đinh Gia) với những lời khen ngợi: “Ông Đinh tuổi già rồi, nhưng vẫn hết lòng hết sức, không quản mệt nhọc để làm lợi cho dân làng. Thật đáng khen”. Cũng trong bài ký nầy Nguyễn Thông đề nghị đặt tên con đập là Đập Đinh Gia để ghi nhớ công lao của Đinh Duy Tự và khuyến khích dân sở tại  hàng năm tu sửa, giữ gìn để hưởng lợi lâu dài.

Đinh Duy Tự qua đời năm Mậu Tý (1888), mộ phần yên vị tại đồi Gò Mức, nay thuộc xóm Bình Trung, thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh. Học trò ông nhiều người thành danh, thành tài, khi nghe tin ông mất gọi nhau về đưa tang thầy và cùng gia đình tế bái nghiêm cẩn. Năm Canh Tuất (1910), môn đồ Đinh Duy Tự và dân làng Trà Bình dựng một bia đá khắc trọn bài Đinh Gia yển ký để tỏ lòng ghi nhớ công ơn người trí thức đáng kính của quê nhà. Bia "Đinh Gia yển ký” hiện vẫn còn ở thôn Thạch An (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn), ngay cạnh con đập khi xưa.

Hội đồng đội xã Bình Mỹ tổ chức cho các em học sinh đến tham quan và viếng hương Bia Đinh Gia Yển Ký nhằm tưởng nhớ công lao của Ông.

 

Nội dung Bia Đinh Gia Yển Ký

“Sự hữu doanh chi sổ thập niên nhi hiệu thành ư nhất đán, vi chi thời nguyệt nhi huệ cập ư châu lư. Phi đắc tồn tâm tế vật giả dữ chi lự thủy, đãi vị dị ngôn dã.

Bình Sơn huyện tây, kiểu sơn hạ, Vĩnh Tuy trại hữu khê, uyển diên cật khuất nhược tu xà nhiên, viết Tẩy mã khê, đông lưu kính Phước Lộc, Thạch Đông, Thạch Nội, Phú Thành, Trà Bình, Ngọ Trì (dĩ thượng giai thôn trại danh), bắc kỳ (?) vu Châu Ổ giang, nguyên viễn nhi tuyền sắc, xuân hạ vũ yết khê trung cẩn tồn vi lưu nhất tuyến, sạ đoạn sạ tục, bàng khê điền hòa tuế dĩ tổn cáo.

Canh Ngọ xuân, dư hạnh huyền, tuần khê nhi thướng chí xà tất, lộ công (gia định danh) chi gian, giáp ngạn sơn thạch lạc xác hữu cựu cừ di tích. Cố lão vân: Cảnh Hưng gian, Trung Phù hầu Nguyễn Mỗ thủy kinh doanh chi, hậu tao đại lạo cừ hoại, tốt mạc tu phục, khê thủy thường hạc.

Toại giai Trà Bình, Bắc Nhai, Nguyên điền chư tử (Dực thiện Phạm Thục Trà Bình nhân, Tú tài Trần Bá Tuấn biệt hiệu Bắc nhai,... văn giai cửu phẩm Nguyễn Văn Cẩn biệt hiệu Nguyên điền) chu hồi tương thị, viết: Thị khê bàng đa giản cốc, sơn vũ nhai yên, hà cư vô thủy? Tích nhân tác thử, lương hữu kiến dã. Ư thị tấn huyện. Tú tài hiệu Kim sơn Đinh quân Duy Tự nhiên chi, viết: Sĩ vô luận xuất xứ, yếu kỳ hữu tế ư vật nhi dĩ. Dĩ kỳ kiến công ư dị huyện, ninh vi huệ ư châu lư ? Nãi vi quân kỳ phu dịch, trù kỳ kinh phí các vô khuyết... Đinh quân ký thụ sự, tướng địa thế dữ thủy thế, biệt khai đại cừ, chu hồi Thạch  Đông, Thạch Nội, Ngọc Trì tam thôn, án Nguyễn hầu di tích, tu phục cựu yển, yển bàng tạc thạch vi phóng thủy cảng. Thị Bình trung, Bình hạ nhị tổng phụ lão suất tử đệ tùng sự, phàm tứ duyệt nguyệt cáo thuân. Bối thu thiệp đông, sơn vũ sậu phát, vô úng quyết chi hoạn. Tam thôn chi điền hàm hoạch quán khái. Lăng, khiếm, loa, cáp, ngư hà chi thuộc, cư dân phả đắc kỳ lợi.

Dư vị Đinh quân lão hĩ, bất đạn tâm lực chi cần dĩ huệ châu lư, khả gia dã. Nhân danh thị yển vi “Đinh gia yển” tỷ vô vong yên. Phàm ngã nông nhân, tuế thời tương dữ tu hộ, dĩ vĩnh hưởng kỳ lợi, thật sở hậu vọng dã. Thị vi ký. Tự Đức Nhâm Thân trọng hạ, Gia định Kỳ Xuyên lĩnh Quảng nghĩa Bố chính Nguyễn Thông Hy Phần thư. Tự Đức Mậu Dần đông, đại lạo tái quyết, tu phục, kim vĩnh kiên cố. Thủy ư Duy Tân Canh Tuất tam nguyệt cát nhật, lập thạch bi, cẩn tuyên. Hậu học Tự Đức Mậu Ngọ khoa Á nguyên, nguyên Dực thiện sung Văn giang huyện Tri huyện Phạm phục trai bái chí”.

Dịch nghĩa Bia Đinh Gia Yển Ký “Có việc kinh doanh vài mươi năm mà hiệu quả thành ở một ngày; làm trong vài tháng mà ân huệ tới làng xóm. Chẳng phải được người có ý tồn tâm tế vật lo nghĩ trước cho, hẵn chưa dễ dàng nói vậy!

 

Phía tây huyện Bình Sơn, dưới núi Kiểu sơn, thuộc trại Vĩnh tuy, có một khe suối ngoằn ngoèo khuất khúc như con rắn dài vậy, gọi là suối Tẩy mã, chảy về Đông Kinh qua Phước Lộc, Thạch Đông, Thạch Nội, Phú Thành, Trà Bình, Ngọc Trì (Điều là tên thôn, trại), Bắc giáp với sông Châu Ổ, nguồn dài suối rít (khô, ít nước), mùa xuân, hạ mưa xong là trong khe chỉ còn một dòng nước nhỏ, chợt đứt chợt nối. Ruộng lúa bên suối năm nào cũng kêu mất.

Mùa xuân năm Canh Ngọ, tôi đến huyện, theo bờ suối mà lên đến Xà tất, Lộ công (địa danh), đá núi giáp bờ, rõ ràng thấy có di tích bờ cừ xưa. Cụ già ở đó nói: Khoảng thời Cảnh Hưng, Trung phù hầ họ Nguyễn bắt đầu xây đắp, sau đó gặp lụt lớn, bờ cừ bị hư, rồi sau không tu bổ lại, nước trong khe thường khô cạn .

Rồi cùng các ông Trà Bình, Bắc Nhai, Nguyên Điền (Dực thiện Phạm Thục người Trà Bình, Tú tài Trần Bá Tấn biệt hiệu Bắc nhai... văn giai cửu phẩm Nguyễn Văn Cẩn biệt hiệu Nguyên điền) nhìn quanh, nói: con suối này bên nó có nhiều khe rãnh, mưa núi tràn xuống, sao lại không có nước ? Người xưa làm đập ấy, thật là có kiến thức. Rồi cùng vào huyện. Ông tú tài hiệu là Kim Sơn Đinh Duy Tự đồng ý, nói: Kẻ sĩ không luận là xuất hay xử, chỉ cần có tâm tế vật mà thôi. Với việc lập công ở huyện khác, thà làm ân huệ với xóm làng. Rồi vì đó, quân bình phu dịch, dự trù kinh phí, đều không thiếu sót. Ông Đinh đã nhận làm, đi xem địa thế, thủy thế, mở ra bờ cừ khác, bọc vòng ba thôn Thạch Đông, Thạch Nội, Ngọc Trì, theo di tích của Nguyễn Hầu sửa lại bờ đập cũ. Bên bờ đập, đục đá làm mương phóng thủy. Phụ lão hai tổng Bình Trung, Bình Hạ đốc suất con em đi khắp đập. Trong vòng bốn tháng thì đập đắp xong. Đến Thu đông, mưa núi rất lớn, không lo bị úng lở. Ruộng của ba thôn đều được nước tưới. Cây ấu, cây súng, với loại ốc, cá, tôm, cư dân cũng được hưởng lợi.

Tôi nói: Ông Đinh tuổi già không sợ, đem tâm lực làm cái huệ cho xóm làng. Đáng khen vậy! Vì thế đặt tên đập là Đinh Gia Yển, để được nhớ mãi không quên. Nông nhân chúng ta, hằng năm cùng bảo vệ, tu bổ để hưởng cái lợi, là đều ta rất mong vậy! Vì thế viết bài ký này.

Niên hiệu Tự Đức năm Nhâm Thân tháng trong Hạ. Gia đinh, Kỳ xuyên lĩnh chức Bố chính Quảng Nghĩa là Nguyễn Thông hiệu Hy Phần viết. Mùa Đông năm Mậu Dần niên hiệu Tự Đức lụt lớn lại lở, tu bổ lại kiên cố. Năm Canh Tuất niên hiệu Duy Tân, ngày lành tháng ba mới lập bia. Kính khắc. Hậu học: Á nguyên khoa Mậu Ngọ niên hiệu Tự Đức, Nguyên Dực thiện sung chức Tri huyện Văn giang Phạm Phục trai, bái ghi”.

Nhiều giai thoại về đức độ và văn tài của Đinh Duy Tự vẫn còn lưu truyền trong dân gian, vừa làm rạng tiếng thơm của một ông Nghè ở chốn sơn thôn, vừa để khuyến khích người có học ở đời siêng năng rèn luyện nhân cách, làm nhiều điều ích lợi cho thiên hạ

Khảo tả Bia Đinh Gia Yển Ký:

Bia Đinh Gia Yển Ký tại thôn Thạch An xã Bình Mỹ

 

Tọa lạc tại thôn Thạch An, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nằm trên thửa đất số 812, tờ bản đồ địa chính số 18, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vị trí Bia nằm bên cạnh con đập Đinh Gia, hướng nhìn về hướng Đông nam; Nhà bia được xây dựng bằng bê thông cốt thép rất kiên cố, xây theo dạng cổ lầu hai mái, mái trên nhỏ mái dưới lớn, cao 5m, rộng 3,5m, dài 4m. Mặt phía sau được xây bít, mặt trước và hai mặt hai bên có cửa hình vòm, chính giữa đặt một bia bằng đá non nước khắc bài Đinh Gia Yển Ký. Tường bao quanh được xây cao 1m, dài 8m, rộng 6m, mặt sau và hai mặt hai bên được xây liền, mặt trước xây chừa cổng rộng 2m tạo lối đi vào bia, chính giữa sân có xây một bảng quang cao 1,5m, rộng 0,4m, dài 2m nằm án ngữ chính giữa cửa trước của bia và cổng vào.

Di tích Bia Đinh Gia Yển Ký là nơi lưu niệm ghi nhận công lao của một nhân vật lịch sử, người có công lao to lớn đối với quê hương đất nước và đã đem lại nhiều ích lợi cho nhân dân Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh và nhân dân Bình Mỹ, huyện Bình Sơn. Bia Đinh Gia Yển Ký đã đi vào tiềm thức và tình cảm của người dân như một sự ghi nhận công lao của Ông đối với quê hương đất nước, ngưỡng mộ và tôn vinh tài đức của ông và sẽ được lưu truyền mãi cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bia Đinh Gia Yển Ký là niềm tự hào của quê hương Quảng Ngãi đã sinh ra một con người tài đức như Ông. Nơi đây còn góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, truyền thống hiếu học, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lễ đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh

 


Tác giả: Đoàn Thanh niên xã Bình Mỹ

Thông tin cần biết

noData
Không có dữ liệu

Tin tức - Sự kiện

Thông báo

Thông tin tuyên truyền

Y tế- sức khỏe- dinh dưỡng

Thông tin tiện ích

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 14
Hôm qua: 23
Năm 2025: 39.320
Tất cả: 39.324